Mới đây, Tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) đã ra mắt báo cáo Thịnh vượng 2022 (Wealth Report 2022). Báo cáo này chỉ ra, lượng dân số siêu giàu (UHNWI) - những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên - tại Việt Nam năm 2021 là 1.234 người, giảm 1% so với con số 1.247 của năm 2020, và số triệu phú USD là 72.135 người.
Số người siêu giàu tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, đạt 1.551. Trong khi số triệu phú năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Như vậy chỉ 4 năm nữa, cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.
Cũng theo Knight Frank, loại tài sản phổ biến nhất - chiếm tới hơn 1/3 giá trị tổng tài sản của nhóm siêu giàu ở Việt Nam - là bất động sản.
Giám đốc Điều hành Knight Frank Việt Nam Alex Crane cho biết: "Chúng tôi đã và đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm nay do nhu cầu trong nước tăng cao".
Trên toàn thế giới, Knight Frank đã thực hiện khảo sát Knight Frank Attitudes Survey với các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài sản cho giới siêu giàu. Các chuyên gia này đồng thuận rằng, bất động sản chiếm phần lớn trong tài sản của giới siêu giàu. Khoảng 23% dân số siêu giàu đang có kế hoạch đầu tư trực tiếp vào bất động sản thương mại.
Ông Pierre-Yves Lombard - Phó giám đốc Khách hàng cá nhân khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Lombard Odier:
Nhiều gia đình siêu giàu sở hữu doanh nghiệp bất động sản, nên hiển nhiên, bất động sản chiếm phần lớn trong tài sản của giới này. Không chỉ thế, họ ngày càng quan tâm đến các hình thức đầu tư bất động sản gián tiếp, ví dụ như quỹ tín thác bất động sản (REITs) và đầu tư trực tiếp vào bất động sản thực. Đây cũng là một cách để chống lại rủi ro lạm phát.
Các thị trường đầu tư cá nhân liên quan đến cơ sở hạ tầng bất động sản cũng nằm trong tầm ngắm của khách hàng. Đối với các thị trường có lạm phát âm (chẳng hạn như châu Âu / Nhật Bản / Thụy Sĩ), bất động sản tại đó giống như một kho lưu trữ giá trị. Tuy nhiên, nếu lạm phát xảy ra ở các thị trường này trong những năm tới, chúng ta có thể thấy xu hướng sẽ đảo ngược.
Bà Julie Gauthier - Giám đốc đầu tư tại Stonehage Fleming:
Bất động sản kỹ thuật số sẽ trở nên quan trọng như bất động sản hữu hình trong thập kỷ tới. Chúng tôi đã thấy ngày càng nhiều nhà phát triển bất động sản quan tâm đến các tài sản mã hóa và cho phép các nhà đầu tư đầu tư vào đó. Loại tài sản này có giá vốn thấp hơn, đặc biệt đối với những người muốn đa dạng hóa danh mục. Chúng tôi cho rằng đây là xu hướng.
Ông James Wey - Trưởng bộ phận Quản lý tài sản Singapore và Đông Nam Á tại JPMorgan Chase & Co
Trong bối cảnh lạm phát, thông thường, có hai tài sản được hưởng lợi nhiều nhất - cổ phiếu và bất động sản. Vì vậy, hãy chú ý đến chúng. Đối với các cá nhân siêu giàu tại châu Á nói riêng, bất động sản là một nguồn lực quan trọng, là "kho" lưu trữ của cải và luôn là một phần không thể thiếu trong danh mục đầu tư. Ví dụ, khi đại dịch bùng phát, nhiều nhà đầu tư tìm mua lại các khách sạn đang gặp khó khăn.
Một nghiên cứu ra mắt cuối năm 2021 từ Viện toàn cầu McKinsey, thống kê tài sản của 10 quốc gia đại diện cho 60% thu nhập toàn cầu (Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mexico, Thụy Điển, Anh và Mỹ), đã chỉ ra rằng: bất động sản vẫn là loại tài sản được ưa chuộng nhất.
Nghiên cứu đã tập trung vào tài sản thực, tài sản tài chính và nợ phải trả của các hộ gia đình, chính phủ, ngân hàng cũng như các tổ chức phi tài chính. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, 2/3 giá trị tài sản ròng ở các quốc gia này được lưu trữ dưới dạng bất động sản: bất động sản nhà ở, văn phòng, bất động sản công và đất đai.
Tại sao bất động sản lại được ưa chuộng đến vậy? Nhóm tác giả của báo cáo cho rằng, việc lãi suất giảm đóng vai trò quyết định trong sự tăng giá của tất cả các loại tài sản khác, đặc biệt là giá bất động sản. Nguồn cung đất hạn chế, các vấn đề về quy hoạch và thị trường nhà ở được quản lý quá mức cũng góp phần thúc đẩy giá bất động sản gia tăng. Kết quả là giá nhà trung bình đã tăng gấp ba lần đối với 10 quốc gia được McKinsey nghiên cứu.