Trong vòng 20 năm, tính đến năm 2020, giá nhà tại Australia đã tăng 120% (tính trên giá thực tế, sau khi đã trừ đi phần tăng do lạm phát), cao thứ tư trong số các nền kinh tế tiên tiến của thế giới.
Theo một báo cáo mới công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những quy định ngặt nghèo và các hạn chế về quy hoạch là nguyên nhân chính khiến Australia ghi nhận mức tăng giá nhà nhanh thứ tư trong số các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới trong vòng 20 năm qua.
Trong vòng 20 năm, tính đến năm 2020, giá nhà tại Australia đã tăng 120% (tính trên giá thực tế, sau khi đã trừ đi phần tăng do lạm phát), cao thứ tư trong số các nền kinh tế tiên tiến của thế giới, chỉ sau New Zealand, Canada và Thụy Điển.
Hậu quả là nhà ở trở nên quá đắt đỏ, khiến người lao động không có khả năng chi trả, đặc biệt là đối với nhóm xã hội ít giàu có hơn, với tỷ lệ thu nhập để trả tiền vay thế chấp mua nhà hoặc tiền thuê nhà là rất cao.
Báo cáo cho biết các hộ gia đình tại Australia hiện gánh nợ nhiều thứ hai trên thế giới và phải mất trung bình 6 năm nữa mới đủ tiền để mua nhà tại quốc gia lớn nhất châu Đại Dương.
Báo cáo phân tích một người lao động đã đi làm tại Australia sẽ mất trung bình 16,4 năm thu nhập khả dụng để có thể sở hữu được một căn nhà diện tích 100 m2. Con số này cao gần gấp đôi so với mức trung bình 10,4 năm thu nhập khả dụng của toàn khối OECD.
Bên cạnh đó, do giá nhà tăng và lãi suất cơ bản giảm, tỷ lệ nợ thế chấp mua nhà trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia hiện lên tới hơn 90%, cao tương đối so với các quốc gia tiên tiến khác, đứng thứ hai sau Thụy Sỹ trong bảng xếp hạng của OECD.
Giám đốc nghiên cứu chính sách của OECD, Luiz de Mello, lý giải lãi suất thấp đã góp phần làm tăng giá nhà tại Australia.
Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính. Các quy định khắt khe về xây dựng và chính sách hạn chế trong quy hoạch mới là lý do hàng đầu khiến nguồn cung nhà ở của “Xứ chuột túi” không theo kịp nhu cầu khi dân số tăng và mức độ nhập cư mạnh vào thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Ông de Mello nói Australia có chi phí nhà ở cao so với thu nhập và giá nhà tại đây đã tăng rất nhanh trong vòng 20 năm qua. Nguồn cung bất động sản của Australia bị thu hẹp đáng kể do các biện pháp quản lý như quy định hạn chế sử dụng đất và quy hoạch “treo” ở nhiều thành phố.
Theo ông de Mello, các khu vực “vành đai xanh” tại những thành phố lớn, nhằm giữ lại đất nông nghiệp hoặc tạo lập không gian xanh cho thành phố, và sở thích sống rải rác thay vì ở các khu nhà có mật độ trung bình và cao tại các khu vực trung tâm cũng góp phần đẩy giá nhà của Australia lên cao.
Ông de Mello kiến nghị việc linh hoạt hơn trong các quy định và phân vùng sử dụng đất, chẳng hạn như giới hạn chiều cao ở các thành phố và tốc độ phê duyệt các quy trình hành chính xây dựng, sẽ làm nguồn cung nhà ở đáp ứng tốt hơn với sự gia tăng nhu cầu.
Trước đó, một nghiên cứu khác của Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương) cũng chỉ ra rằng các hệ thống quy hoạch và phân vùng phức tạp, đăc biệt là tại bang New South Wales, địa phương đông dân nhất Australia, gây hạn chế đáng kể nguồn cung nhà ở mới và khiến giá nhà của Australia tăng liên tục trong nhiều năm.
Tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Năng suất của Australia, Michael Brennan, đã lên tiếng thúc giục chính quyền các bang cần sớm cắt giảm thời gian phê duyệt phát triển hạ tầng và nới lỏng hệ thống lập kế hoạch xây dựng đô thị mang tính quy định cao./.