Tài chính - Tiền tệ

Giám đốc Quốc gia ADB quan ngại về tiến độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam

Thứ năm, 27/06/2019, 16:30 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua:
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Twitter

 

Các cổ đông của 6 ngân hàng phát triển tỏ ra quan ngại về tiến độ giải ngân các dự án ODA tại Việt Nam hiện nay...

 

 

 

"Thời gian trước, Việt Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, trong mấy năm qua tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng 1/2 so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ", Giám đốc Quốc gia ADB nhận định.

Thông tin này được ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đưa ra tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi vừa được Bộ Tài chính tổ chức.

Tốc độ giải ngân vốn của Việt Nam chỉ bằng 1/2 quốc gia khác

Theo đó, Giám đốc Quốc gia ADB - đại diện cho 6 ngân hàng phát triển, đang cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, cho rằng, tiến độ giải ngân các dự án ODA tại Việt Nam hiện nay đang chậm, thậm chí không chỉ các khoản vốn ODA mà ngay cả ngân sách của Nhà nước cũng chậm, gây tác động không tích cực tới phát triển.

Ông Eric cũng thông tin, các cổ đông của 6 nhà tài trợ tỏ ra quan ngại về việc các dự án phải được giải ngân nhanh, để đưa ra các mặt tích cực về phát triển. 

"Thời gian trước, Việt Nam có tốc độ giải ngân nhanh và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, trong mấy năm qua tốc độ bị chậm lại, trung bình chỉ bằng 1/2 so với giai đoạn trước và 1/2 so với các quốc gia khác đang nhận tài trợ của chúng tôi", Giám đốc Quốc gia ADB nói.

Đưa ra số liệu cụ thể, ông Eric cho biết, tổng số vốn cam kết giải ngân năm 2018 của Việt Nam là 28,9 tỷ USD, nhưng có đến 16,9 tỷ USD chưa được giải ngân. Trong tổng số vốn này thì phần lớn là vốn ODA và các khoản vay ưu đãi.

Như vậy, tỷ lệ giải ngân năm 2018 chỉ ở mức 11,2%, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ giải ngân cao nhất trong lịch sử của Việt Nam là 21,7%. 

Nếu so sánh với các quốc gia khác, Giám đốc Quốc gia ADB cho biết, tỷ lệ trung bình toàn cầu của ADB là 21%, của ngân hàng thế giới là 20,2%.

Việc giải ngân chậm sẽ dẫn đến việc trì hoãn hoặc thất bại trong việc thực hiện các kết quả phát triển, làm tăng phí cam kết, đồng thời các chi phí dự án leo thang.

"Song song với đó, việc giải ngân chậm còn làm tăng chi phí hành chính, quản lý dự án, dễ xảy ra tranh chấp hợp đồng do thanh toán chậm, từ đó, khiến dự án không thành công hoặc hiệu quả của dự án giảm xuống. Khi dự án không hiệu quả sẽ tiếp tục tác động đến tăng trưởng kinh tế", ông Eric Sidgwick phân tích.

Quy định về quản lý vốn ODA không thống nhất là rào cản

Dựa trên khảo sát tại 81 đơn vị thực hiện dự án vào quý 1/2019 của ADB cho thấy, có 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến thực hiện dự án và có 4 vấn đề lớn ảnh hưởng đến giải ngân. 

Cụ thể, 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến thực hiện dự án được 81 đơn vị chỉ ra bao gồm thủ tục phê duyệt (64%), phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bị thiếu (53%), đấu thầu (52%), thu hồi đất và các rủi ro khác liên quan (43%), quá trình giải ngân/rút vốn (26%).

4 vấn đề lớn ảnh hưởng đến giải ngân bao gồm quy định về quản lý vốn ODA không thống nhất hoặc thường xuyên thay đổi (54%), chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư công (51%), phân bổ vốn hàng năm không đáp ứng nhu cầu (45%), cơ quan hữu quan chậm trả lời, phê duyệt khu xem xét (41%).

"Đây là những vấn đề rất đang quan ngại", ông Eric Sidgwick bày tỏ lo ngại. 

Trên cơ sở đó, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, các nhà tài trợ đã trao đổi với ủy ban quản lý vốn ODA của Việt Nam và Bộ Tài chính. Và Ủy ban thường trực ODA đã có một vài khuyến nghị cho từng vấn đề đang vướng mắc.

Đối với vướng mắc về thủ tục, đại diện ADB cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển để sửa đổi Nghị định 132/16 hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau, cần đơn giản hóa các thủ tục và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn đến mức tối đa. 

Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đến quản lý ODA cần tăng cường phối hợp, tăng cường giám sát và đánh giá với trọng tâm là quy trình đạt hiệu quả và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng về các quy định pháp luật mới.

Đối với tính sẵn sàng của dự án, Chính phủ cần giải thích linh hoạt hơn về quy định "xác định được nguồn vốn" trong Luật Đấu thầu. 

Trong trung hạn, Luật Đấu thầu có thể cần phải sửa đổi. Chủ đầu tư cần phân bổ vốn đối ứng để chuẩn bị thiết kế chi tiết và hồ sơ mời thầu trước khi phê duyệt khoản vay. 

Điều này có thể được làm rõ trong việc sửa đổi Nghị định 132/16. Ngoài ra, Chính phủ cần khuyến khích đấu thầu trước khi phê duyệt/ký thỏa thuận vay.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn (MTIP), ADB khuyến nghị cần đơn giản hóa các thủ tục, phê duyệt chủ trương đầu tư, đưa dự án vào MTIP và giao kế hoạch vốn hàng năm. 

Hàng năm cần cập nhật MTIP hoặc có thể là MTIP quay vòng. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tham vấn ý kiến của các đối tác phát triển khi xây dựng MTIP giai đoạn 2021 – 2025.

Đối với phân bổ ngân sách hàng năm cần giao kế hoạch vốn hàng năm phải được thực hiện vào tháng 1, bao gồm cả trong TABMIS và phù hợp với nhu cầu của Dự án. 

Tái phân bổ và phân bổ bổ sung vốn nhanh hơn, quy trình đơn giản hơn để phản ánh nhu cầu giải ngân của dự án. Thực hiện phê duyệt MTIP với quy trình một bước để phân bổ ngân sách hàng năm. 

Cần đảm bảo phê duyệt ngay toàn bộ kế hoạch ngân sách năm 2019 cho các dự án. Nội dung phân bổ vốn hỗ trợ ngân sách cần được làm rõ.

Nguyễn Nguyễn


Ý kiến
Verosa Park HCM
Scroll_left_01
Scroll_right_01
Hotline:
08888.504.669
Cao Minh Trí
(Chăm sóc khách hàng)
  • zalo
  • phone
  • skype
Đặng Ngọc Mai
(Hỗ trợ kỹ thuật)
  • zalo
  • phone
  • skype
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.