Giá đắt đỏ khiến ngày càng nhiều người Canada từ bỏ ước mơ mua nhà và tự cho đó là đặc quyền của người giàu.
Cuộc thăm dò do tổ chức nghiên cứu thị trường Ipsos vừa cho biết, hai phần ba người Canada được hỏi đã từ bỏ dự định sở hữu một ngôi nhà. Cùng với đó, ba phần tư cho rằng mua nhà là đặc quyền của người giàu. Và 71% đánh giá khủng hoảng nhà ở đang diễn ra.
"Thay vì giấc mơ sở hữu nhà, nó đang trở thành cơn ác mộng với cả một thế hệ người Canada", Sean Simpson, Phó chủ tịch phụ trách của Ipsos, bình luận. Cuộc khảo sát được Ipsos với người Canada thuộc mọi lứa tuổi, kể cả những người đã sở hữu nhà. Sean Simpson cho hay kết quả phản ánh thái độ của người Canada rằng quyền sở hữu nhà ngày càng không thể đạt được, đặc biệt là với giới trẻ.
Dữ liệu liên bang cũng cho thấy người Canada trẻ tuổi có thể đang quay lưng lại với thị trường nhà ở. Báo cáo tuần trước của Cơ quan Thống kê Canada cho hay dư nợ thế chấp đối với các hộ gia đình dưới 35 tuổi đã giảm nhanh hơn trung bình toàn quốc.
Cơ quan này cho rằng xu hướng này là do những hộ gia đình đang tìm kiếm những ngôi nhà có giá cả phải chăng hơn hoặc hoàn toàn rời bỏ thị trường "do những lo ngại về khả năng chi trả". Chi phí sở hữu nhà ngày càng tăng đã trở thành vấn đề nhức nhối với chính phủ và các cơ quan lập pháp trên toàn quốc.
Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu TD Economics, năm nay, doanh số bán nhà và giá trung bình tại Canada sẽ giảm lần lượt 10,7% và 3% so với cùng kỳ 2022. Giả định rằng Ngân hàng trung ương Canada đã hoàn tất việc tăng lãi suất và sẽ bắt đầu hạ từ quý II/2024, kết hợp với các yếu tố như lợi suất trái phiếu giảm và tăng trưởng dân số vẫn duy trì mức cao (nhờ nhập cư), thị trường nhà sẽ tăng về giá lẫn doanh số từ quý II/2024.
TD Economics cho rằng doanh số năm sau có thể tăng 5,2% và giá trung bình nhích nhẹ 0,5%. Tất nhiên, giá nhà ở Canada hiện đã khá cao, khiến khả năng chi trả của người dân "đầy thách thức" trong lịch sử.
Đến giữa 2024, sáu tỉnh lớn gồm British Columbia, Ontario, New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island và Quebec sẽ chứng kiến doanh số và giá cả tăng lên, dù mức tăng sẽ bị hạn chế do khả năng chi trả khó khăn. "Trên thực tế, ngoại trừ New Brunswick, chúng tôi ước tính khả năng chi trả sẽ vẫn gần mức tồi tệ nhất trong lịch sử (kéo dài từ năm 1988) ở tất cả khu vực này trong vài quý tới", TD Economics dự báo.
Chính phủ liên bang của Canada đã đưa ra một loạt chính sách nhằm mục đích xây dựng nhiều nhà hơn, bao gồm cả việc miễn thuế giá trị gia tăng (GST) với các công trình xây dựng cho thuê mới, cùng với những hứa hẹn khác. Giới chức cũng đã bắt đầu triển khai tài trợ phát triển đô thị thông qua Quỹ Tăng tốc Nhà ở trị giá 4 tỷ USD, được công bố vào năm ngoái.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò cho thấy những thông báo được đưa ra cho đến nay vẫn chưa tạo được niềm tin cho người dân. Chỉ 20% những người được khảo sát cho rằng chính phủ đang làm đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, giảm 7 điểm phần trăm so với khảo sát hồi tháng 4.
Tập đoàn Nhà ở và Thế chấp Canada đang ước tính nước này sẽ cần thêm 3,5 triệu ngôi nhà mới vào năm 2030 để khôi phục thị trường nhà vừa túi tiền. Thủ tướng Justin Trudeau và chính phủ của ông chưa công khai mục tiêu cam kết.
Theo Simpson, cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng gia tăng đã khiến người Canada đưa ra các giải pháp mà trước đây họ có thể phản đối. Ba phần tư người được hỏi ủng hộ ý tưởng rằng có nhiều nhà hơn sẽ giúp giảm giá. 73% cho rằng nên hạ mục tiêu nhập cư cho đến khi tình trạng thiếu nhà cải thiện. Trong khi 68% muốn giới hạn số sinh viên quốc tế để giải quyết khủng hoảng.
Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Nhà ở Sean Fraser - người trước đây từng giữ chức Bộ trưởng Nhập cư - phản đối những lời kêu gọi giảm tỷ lệ nhập cư và sinh viên quốc tế, cho rằng người di cư có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở bằng cách lấp đầy các vị trí tuyển dụng trong ngành xây dựng.
"Thừa nhận đây là vấn đề phức tạp, nhưng người Canada muốn thấy hành động ngay lập tức để đảm bảo rằng có đủ nhà ở cho mọi người sống và sở hữu nếu họ muốn", Simpson nói.
Nhiều người Canada tin rằng chi phí nhà ở leo thang là do lãi suất tăng và lạm phát (68%) hoặc thiếu nguồn cung (63%) so với những người đổ lỗi cho việc gia tăng nhập cư (57%). "Cuối cùng, người Canada đang ủng hộ việc xây dựng nhiều nhà hơn, với mật độ cao hơn, giá cả phải chăng hơn", Simpson nói./.