Ở nhiều thành phố lớn ở châu Âu, giá nhà ở đang tăng lên suốt hàng chục năm qua, do lực đẩy từ một loạt yếu tố, bao gồm lãi suất thấp, tình trạng thiếu đất.
Dù đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến các nền kinh tế ở châu Âu, giá bất động sản vẫn gia tăng không ngừng trong năm qua. Nhu cầu từ những người lao động phải làm việc ở nhà cần đã góp phần đẩy giá nhà ở tăng cao.
Đồng thời, chính sách kích thích tiền tệ và tài khóa lớn chưa từng có nhằm hỗ trợ nền kinh tế cũng “đổ thêm dầu vào lửa”.
Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Anh Rishi Sunak hồi tháng Ba đã tạm thời giảm thuế mua bất động sản và công bố một chương trình mới nhằm hỗ trợ những người mua nhà lần đầu. Giá nhà ở tại Anh đã ghi nhận mức tăng theo tháng lớn nhất trong hơn 17 năm qua trong tháng Tư.
Theo Global Property Guide, trang web chuyên nghiên cứu bất động sản nhà ở, giá nhà tại Berlin (Đức) đã tăng 11% trong năm qua. Và giá thuê nhà tăng đang là một vấn đề lớn đối với thành phố này, nơi mà chỉ khoảng 17% dân số sử hữu nhà hay căn hộ. Tính chung ở Đức, khoảng 50% dân số đang thuê nhà và phải đối mặt với nguy cơ giá thuê gia tăng lấn nhiều hơn vào thu nhập khả dụng.
Stockholm, Luxembourg, Moskva và Bratislava đều đã ghi nhận mức tăng hai con số trong giá nhà ở trong 12 tháng qua, và chỉ một số ít các thành phố, như Madrid, có giá nhà giảm xuống.
Ngân hàng UBS nhấn mạnh Munich, Frankfurt, Amsterdam, Paris và Zurich là những thành phố có nguy cơ bong bóng bất động sản. Bốn trong 12 thành phố ở châu Âu có tên trong Chỉ số bong bóng bất động sản toàn cầu của UBS đang được định giá quá cao, trong đó có Stockholm, và chỉ có Warsaw, Milan và Madrid có giá nhà hợp lý.
Ngân hàng trung ương Phần Lan trong tuần này đã cảnh báo về mức nợ của hộ gia đình. Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển và giới chức nhiều nước châu Âu cũng lo ngại về mối đe dọa của vấn đề này đối với hệ thống tài chính.
Mức nợ của hộ gia đình ở các nước Bắc Âu đang thuộc hàng cao nhất trên thế giới khi so với thu nhập khả dụng, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)./.