Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp địa ốc trên thế giới đã rơi vào tình cảnh vỡ nợ và đi đến phá sản.
Theo Bloomberg, đà sụt giá của loại tài sản lớn nhất thế giới đã lan rộng từ thị trường nhà ở sang bất động sản thương mại. Điều này có nguy cơ gây ra làn sóng hỗn loạn tín dụng trên toàn nền kinh tế thế giới.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy gần 175 tỷ USD tín dụng bất động sản đã cạn kiệt. Khi lãi suất tăng cao và thời đại tiền dễ dãi kết thúc, nhiều thị trường bất động sản gần như bị đóng băng.
Theo một nghiên cứu của Công ty luật Weil, Gotshal & Manges, khó khăn tại thị trường bất động sản ở châu Âu đang ở mức cao nhất trong một thập kỷ. Dữ liệu của Công ty MSCI cho thấy giá trị bất động sản thương mại của Anh đã giảm hơn 20% trong nửa cuối năm 2022. Ở Mỹ, Công ty Green Street tuyên bố mức giảm là 9%.
Những tin xấu về thị trường bất động sản đang bủa vây tại nhiều quốc gia trên thế giới. Công ty Brookfield đã đưa ra cảnh báo có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho hai tòa nhà ở trung tâm thành phố Los Angeles, Mỹ.
Việc nhà phát triển công viên giải trí Legoland tại Hàn Quốc không thanh toán khoản nợ đã gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng ở quốc gia này. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc buộc phải vào cuộc để ổn định thị trường.
Tập đoàn bất động sản Caydon của Australia lại cho rằng chính lệnh phong tỏa do Covid-19 và việc lãi suất tăng cao đã khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn về mặt tài chính.
Công ty Builders FirstSource, nhà cung cấp dịch vụ xây dựng nhà ở Mỹ, đã cắt giảm 2.600 việc làm. Công ty Made.com, đơn vị bán đồ nội thất được yêu thích tại Anh, đã đi đến phá sản. Công ty Electrolux AB, doanh nghiệp sản xuất thiết bị gia dụng Thụy Điển, đã công bố kế hoạch cắt giảm tới 4.000 công nhân vào năm ngoái.
Các dấu hiệu về suy thoái kinh tế đang gia tăng tại Mỹ. Ông Michael Knott, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu REIT ở Mỹ tại Green Street, cho biết giá trị bất động sản đã sụt giảm nhưng tổng thể “vẫn còn hơi cao”. Ông dự đoán giá sẽ tiếp tục giảm 5-10% trong năm nay.
Thị trường địa ốc Trung Quốc đã trải qua một năm đầy sóng gió. Khoảng 2 triệu căn nhà đã bị tạm dừng thi công do thị trường chững lại.
Sự chậm trễ thi công các dự án tại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh doanh số bán nhà sụt giảm trên toàn quốc và làn sóng người mua từ chối thanh toán thế chấp diễn ra rầm rộ.
Biến cố này xuất phát từ việc giới chức Trung Quốc siết chặt quản lý đối với ngành bất động sản vào năm 2020 nhằm hạn chế việc các nhà phát triển địa ốc nước này sử dụng đòn bẩy, hạ giá nhà và giảm rủi ro cho lĩnh vực tài chính.
Chính sự hấp dẫn của các khoản nợ giá rẻ đã khiến các doanh nghiệp địa ốc ở châu Âu tăng cường đi vay và giành lấy các danh mục đầu tư mà chi phí vay thấp hơn lãi suất. Theo phân tích của Bloomberg, điều đó khiến trái phiếu rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản có xác suất vỡ nợ trong 2 năm tới đạt mức cao nhất tại châu Âu, lên tới 8%.
Các cơ quan quản lý đã cảnh báo nhu cầu về diện tích văn phòng đã thấp hơn kể từ đại dịch. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu cao hơn do sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và chi phí vay tăng sẽ khiến một số dự án bất động sản ở châu Âu không khả thi.
Với khả năng hấp thụ thấp, giá nhà ở châu Âu đã liên tục giảm. Tại Thụy Điển, nơi giá nhà đang rơi tự do, Công ty Samhallsbyggnadsbolaget i Norden AB đã đồng ý bán bất động sản trị giá gần 1 tỷ USD để trả nợ.
Tại Mỹ, người đi vay đang yêu cầu giá nhà giảm nhiều hơn so với mức mà bên bán chấp nhận. Sự bế tắc về định giá này đã góp phần khiến các ngân hàng và nhiều nhà cung cấp tín dụng khác thận trọng hơn đối với các khoản cho vay mới.