Thị trường đã "hạ nhiệt"
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng diễn ra chiều 13/6, đưa ra đánh giá về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi một số khu vực, đặc biệt là phân khúc đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua... tăng giá đột biến. Ngoài ra, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%.
Theo vị này, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin về thị trường chưa kịp thời, chặt chẽ, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá thổi giá.
Trước thực tế nêu trên, ông Khởi cho biết, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.
Ông Khởi thông tin, với các yêu cầu cung cấp nhiều nhà ở hơn cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp, thứ nhất đẩy mạnh tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp đến là tăng cường minh bạch thông tin các dự án, thông tin các nguồn hàng để tránh hiện tượng lợi dụng cấu kết tăng giá, thứ ba tăng nguồn vốn đầu tư…
Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm này, ông Khởi dự báo thị trường sẽ phát triển song vẫn có những biện pháp cần thiết để tránh những hiện tượng xảy ra như 2021, trong đó có việc đẩy nhanh nguồn cung, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Khởi cho biết, trong hai năm 2020-2021, nguồn cung bất động sản giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn nhà ở xã hội gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất.
Thực tế, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo như kế hoạch; trong đó nhà ở công nhân là 2,7 triệu m2 với 54.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị đạt khoảng 4,6 triệu m2 với 92.500 căn hộ.
Đáng chú ý, cả nước hiện đang tiếp tục triển khai 339 dự án nhà ở xã hội nhưng tốc độ triển khai rất chậm, trong đó nhà ở công nhân 7,6 triệu m2 với hơn 152.000 căn hộ, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 9,6 triệu m2 với 219.000 căn hộ.
Riêng 6 tháng đầu năm, các địa phương đã khởi công 11 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thấp khiến việc triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở còn chậm. Cụ thể, đối với gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng cho người mua, cải tạo, thuê mua nhà ở, hiện Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được 140 tỷ đồng cho gần 800 khách hàng.
Để đảm bảo nguồn cung ra thị trường, ông Khởi đề xuất các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án bất động sản; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý có hiệu quả, ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung ngay cho thị trường.
“Về phía Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn làm việc với các tỉnh thành để đẩy mạnh nguồn cung cho thị trường bất động sản. Theo đó, UBND các tỉnh sẽ lập danh sách các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay vốn gửi Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ công bố công khai danh sách và ngân hàng sẽ cho vay theo công văn Bộ Xây dựng công bố”, ông Khởi nói.
Đề xuất điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn
Chia sẻ về vấn đề siết phát hành trái phiếu bất động sản, ông Khởi thừa nhận thời gian qua, có hiện tượng phát hành trái phiếu vượt quá chỉ tiêu, quy định dẫn đến thị trường có vấn đề.
"Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng chưa có đề xuất siết phát hành trái phiếu mà đánh giá thị trường vốn và trái phiếu bất động sản có liên hệ mật thiết với nhau. Vừa qua thị trường tài chính nóng thì bất động sản cũng nóng theo. Đây là sự phát triển không bình thường. Do đó khi điều chỉnh vốn hay trái phiếu sẽ có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản", ông nói.
Lãnh đạo Bộ cho rằng cần phải có những quy định cụ thể để phát hành trái phiếu một cách ổn định, tránh tình trạng phát triển nóng như vừa qua. Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đề nghị sửa Nghị định 153/2020 (do Bộ Tài chính chủ trì) với mục tiêu để quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích.
Về huy động vốn, ông Khởi cho biết, trong thị trường bất động sản, kênh này không phải kênh duy nhất mà thông qua tín dụng, phát hành trái phiếu, liên doanh, ứng tiền trả trước từ khách hàng, vay vốn tín dụng từ ngân hàng và vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng. Khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng thì các doanh nghiệp phải chuyển sang huy động trái phiếu.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, trong đó ưu tiên dự án có tính khả thi cao, các dự án cung cấp nguồn cung nhanh.