Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng chỉ ra rất nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập… trong hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Đây là điểm nghẽn của thị trường bất động sản, khiến nguồn cung giảm mạnh.
Theo ông Châu, 10 năm qua, thị trường bất động sản đan xen các giai đoạn thăng - trầm - khủng hoảng - phục hồi - tăng trưởng. Tuy nhiên bắt đầu từ năm 2016, thị trường bất động sản đã có biểu hiện sụt giảm. Đến năm 2017, thị trường phục hồi và tăng trưởng nhẹ 4,07%. Cho đến mười tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản cả nước có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung và số lượng giao dịch. Riêng thị trường TP.HCM dấu hiệu này rất rõ nét. Tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường 10 tháng đầu năm chỉ 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà, số lượng dự án giảm 11,1%, tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết, TP.HCM đã nhận thấy vướng mắc này và tháng 4.2016, đã có công văn đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện.
Tháng 11.2016, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về vướng mắc của TP.HCM và kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện theo quan điểm của TP. Đến tháng 10.2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ liên quan “nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về việc giao đất theo hình thức chỉ định đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở có tính chất đặc thù, riêng biệt, đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện”. Tuy nhiên trên thực tế các cơ quan chức năng khi giải quyết hồ sơ rất ngại vì các chỉ đạo nói trên đều dưới luật.
Theo Sở Xây dựng TP, kể từ luật Nhà ở có hiệu lực đến nay, Sở đã thụ lý 170 dự án đề nghị công nhận chủ đầu tư. Trong đó, chỉ có 44 dự án có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, chiếm tỷ lệ 26%. Còn lại 126 dự án, chiếm tỷ lệ đến 74%, chủ yếu có nguồn gốc do bồi thường đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng, chưa kể còn có quỹ đất công như đường hẻm, đường mòn nông thôn, đất ven bờ sông rạch.
Ngay tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành liên quan giải quyết ngay cho doanh nghiệp một số những vướng mắc có thể giải quyết ngay. Đồng thời đề nghị Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cùng với Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM giao ban hằng quý với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để lắng nghe tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.