Hải Phòng cần sớm lên kế hoạch quy hoạch để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và các yếu tố mới trong chỉ đạo phát triển đô thị của Bộ Chính trị.
Quy hoạch hiện đại, phát triển bền vững
Thực hiện quy hoạch chung TP. Hải Phòng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong công tác cải tạo và phát triển đô thị; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy tăng trường kinh tế với GDP tăng bình quân 11%/năm, gấp 1,5 lần cả nước; khẳng định hình ảnh và vị thế của thành phố đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực phía Bắc và cả nước, hướng tới trở thành dịch vụ du lịch, dịch vụ cảng, trung tâm công nghiệp của khu vực Đông Nam Á.
Đồ án quy hoạch chung TP. Hải Phòng đã được phê duyệt gần 7 năm. Theo quy định, đã đến định kỳ xem xét, rà soát và đánh giá quá trình thực hiện đồ án để có những điều chỉnh kịp thời và phù hợp với tình hình chung. Theo điều 47 Luật Quy hoạch đô thị, Hải Phòng có đầy đủ những điều kiện để được điều chỉnh quy hoạch chung.
Trong thời gian qua, Hải Phòng đã có những điều chỉnh về chiến lược, quy hoạch tổng thể. Việc hình thành nhiều dự án có quy mô lớn cùng các khu chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển không gian đô thị và mang tầm chiến lược cấp vùng, quốc gia. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn lao động, làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế sang nhóm công nghiệp – dịch vụ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Một số dự án phải kể đến như: khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng, khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, tổ hợp LG Display tại KCN Tràng Duệ, khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên, các dự án phát triển hạ tầng như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi,…
Những dự án trọng điểm này ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng đất, bố cục không gian kiến trúc đô thị, phát triển vượt trội so với dự báo quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, vì nguồn lực kinh tế của Hải Phòng còn hạn chế và sức hút đầu tư không lớn nên việc triển khai lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu và các dự án đầu tư hạ tầng còn chậm so với kế hoạch chung. Hơn nữa, sự phối hợp chưa chặt chẽ trong công tác lập quy hoạch cũng khiến việc triển khai nhiều dự án còn thiếu đồng bộ.
Một góc thành phố Hải Phòng
Nhiều yếu tố mới trong chỉ đạo của Bộ chính trị
Bộ Chính trị đã nhấn mạnh rằng Hải Phòng cần thực hiện tốt Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5/8/2003; vận dụng sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đồng thời xác định rõ rang mô hình phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Hải Phòng cần tập trung phát triển những lĩnh vực thế mạnh như dịch vụ cảng biển, du lịch, sân bay, tài chính, xuất nhập khẩu, logistics; chú trọng vào những ngành công nghiệp mũi nhọn; xây dựng, phát triển Hải Phòng theo hướng đô thị cảng biển xanh.
Để có thể thực hiện hiệu quả mô hình phát triển trên, cần phải điều chỉnh, bổ sung tính chất, quy mô đô thị, chức năng của TP. Hải Phòng trong thời gian tới.
Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ cũng xác định rõ, Hải Phòng và Quảng Ninh có triển vọng phát triển nhanh và năng động, với các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn trong tiểu vùng, tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trung tâm. Một số lĩnh vực trọng tâm trong định hướng phát triển của TP. Hải Phòng là quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam.
Với những vị trí, vai trò và những lý do trên, Hải Phòng cần điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đến năm 2025, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1448/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để phù hợp với tình hình phát triển chung đồng thời cập nhật những yếu tố mới xuất hiện.
Bên cạnh việc đề xuất chính sách, việc điều chỉnh này là công tác thường xuyên của các cơ quan quản lý quy hoạch đô thị nhằm hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ hạ tầng theo mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Báo Xây dựng Online