Dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dự kiến dài 32 km, có tổng vốn đầu tư 6.020 tỉ đồng đang được Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp triển khai.
Ngày 25.5, tại TP.Cao Lãnh, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn Đèo Cả (DeoCa Group) về đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi làm việc, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đưa ra 2 phương án thực hiện đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, trong đó phương án 1 có chiều dài 32 km, tổng mức đầu tư 6.020 tỉ đồng và phương án 2 chiều dài 28 km, tổng mức đầu tư 5.288 tỉ đồng. Về quy mô, dự kiến giai đoạn 1, tuyến đường có vận tốc thiết kế 80 km/giờ, nền đường rộng 17 m, có 4 làn xe. Giai đoạn hoàn thiện, vận tốc được nâng lên 100 km/giờ, nền đường rộng 23 m, có 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m.
Về hình thức đầu tư, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, có thể xem xét đầu tư tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh theo hình thức đối tác công tư hoặc đầu tư công kết hợp với đầu tư đối tác công tư.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, dự án đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh là một trong những ưu tiên của tỉnh nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông. Tỉnh mong sớm được triển khai dự án, tuy nhiên cần xem xét trong thời gian 15 năm hoàn vốn, thay vì 22 năm hoặc 17 năm như Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đề xuất. Ông Nghĩa góp ý, công ty cần hoàn chỉnh các phương án và sớm làm việc với tỉnh Tiền Giang để hai địa phương báo cáo đến Bộ Giao thông - Vận tải để thực hiện các bước tiếp theo.
Sau khi triển khai hoàn thành, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh sẽ tạo nên sự kết nối giao thông giữa trục dọc cao tốc phía đông (TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ) với trục dọc cao tốc phía tây (TP.HCM - Mỹ An - Cao Lãnh - Vàm Cống - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi).