Cụ thể, Quyết định số 18 quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp không nhỏ hơn 500m2 tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm huyện Côn Đảo; không nhỏ hơn 1.000m2 tại địa bàn các xã còn lại.
Đối với thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2 tại thành phố Vũng Tàu và diện tích từ 1.000 - 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định thì người sử dụng đất phải lập phương án mặt bằng tách thửa được UBND cấp huyện chấp thuận.
Đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 2.000m2 tại thành phố Vũng Tàu và lớn hơn 5.000m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, trước khi tách thửa theo quy định thì người sử dụng đất phải lập phương án đầu tư theo quy định pháp luật có liên quan.
Đối với TP Vũng Tàu, theo quy định của Quyết định 18, các lô đất trong dự án phải đảm bảo tối thiểu 80 m2/lô cùng với các hạ tầng hoàng chỉnh, như thế sẽ hình thành nhiều tuyến đường, có cả hẻm trong đô thị. Hiện nay, TP Vũng Tàu cũng đang chờ hướng dẫn từ sở Xây dựng vì vướng quy hoạch.
Quyết định số 18 cũng quy định chặt chẽ hơn khi yêu cầu thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý. Trong trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa, người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông.
Cũng theo ông Hải, khi tách 1 - 2 thửa cho con cái thì không thể đầu tư các hạng mục hạ tầng như: điện, thoát nước, đường giao thông. Do đó hiện nay, huyện Long Điền đang chờ hướng dẫn từ sở Xây dựng và Sở Tài nguyên môi trường để tiến hành tách thửa đối với các hộ dân có nhu cầu thực sự.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường TP Bà Rịa, nếu để các hộ gia đình làm hạ tầng, đầu tư đúng quy hoạch sử dụng đất thì chính quyền sẽ có một quỹ đất do người dân hiến làm đường, có được hạ tầng hoàng chỉnh nếu quản lý tốt. Cái khó hiện nay là đối với những gia đình tách đất để chia cho con cháu trong gia đình.
Trong thời gian chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở Xây dựng Bà Rịa – Vũng Tàu, các địa phương trong tỉnh phải chặt chẽ hơn trong công tác sử dụng đất, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng tại địa phương. Chủ tịch UBND và công chức địa chính - xây dựng của các địa phương chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng. Bên cạnh đó, cần rà soát lại toàn bộ trường hợp đã phân lô, tách thửa có hình thành đường giao thông, nếu thửa đất đang được sử dụng không đúng mục đích thì phải có phương pháp vận động hoặc cưỡng chế trả lại hiện trạng đất như ban đầu.