Để tránh quy hoạch treo, chắp vá, lãng phí…, quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm.
Tránh cóp nhặt, chắp vá…
Ông Phùng Đức Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – cho rằng, quy hoạch tổng thể quốc gia phải có tầm nhìn từ 50 đến 70 năm mới đảm bảo tính ổn định cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong điều hành nền kinh tế và trong đầu tư phát triển không bị động, không sợ thay đổi.
Ông Phùng Đức Tiến
Theo ông Tiến, quy định dài như vậy cũng tạo áp lực cho các cơ quan lập quy hoạch phải có những dự báo đánh giá dài hạn, đồng thời phải có sự đầu tư công phu cho công tác lập quy hoạch, tránh tình trạng dò dẫm, cóp nhặt, chắp vá.
Ông Tiến nêu thực tế: Việc lập và phê duyệt, triển khai quy hoạch ở Việt Nam thường rất chậm. Có những quy hoạch cho một thời kỳ nhưng khi được phê duyệt đã đi được một phần ba thời kỳ phê duyệt xong đã không còn phù hợp và phải điều chỉnh. Khi điều chỉnh các dự án phải chờ đợi, đó là lý do vì sao nhiều quy hoạch treo không được thực hiện và nhiều công trình thực hiện dở dang phải tạm dừng đợi điều chỉnh quy hoạch hoặc nếu cứ triển khai thì rơi vào tình trạng không theo quy hoạch và bị xử lý gây lãng phí lớn cho xã hội.
Để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Quy hoạch cần được lập theo thứ tự từ trên xuống dưới, quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị nông thôn trên cả nước, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên, hạn chế tình trạng manh mún, chắp vá trong quy hoạch.
Thời gian qua nhiều quy hoạch được lập và phê duyệt nhưng khi triển khai lại không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, gây lãng phí và tốn kém cho ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Trước thực trạng này, ông Tiến đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng là do chất lượng công tác tư vấn lập quy hoạch không đảm bảo. Theo ông, cần quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể trong việc lựa chọn các nhà đầu tư trong lập quy hoạch, tư vấn lập quy hoạch, đơn vị lập quy hoạch, đặc biệt, đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh.
Đề cập công tác quy hoạch, ông Trịnh Ngọc Phương, Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Tây Ninh, nhận định, quy hoạch là công cụ quan trọng hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển, là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Quy hoạch chiến lược hợp nhất
Theo ông Phương, quy hoạch chiến lược hợp nhất bao gồm các quy hoạch kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị để tìm tiếng nói chung đảm bảo yêu cầu sống công bằng, sống tốt và bền vững. Kiến tạo hình thức đô thị mới và hình thái đô thị theo hướng thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng sống.
Ông Trịnh Ngọc Phương
Chủ tịch Hội kiến trúc sư tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, cần có một sản phẩm quy hoạch duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng chi tiết, trong đó có phần sử dụng đất. Hiện nay đang tồn tại hai loại quy hoạch có giá trị như nhau là quy hoạch sử dụng đất do ngành tài nguyên lập và quy hoạch xây dựng do ngành xây dựng lập. Trong quá trình triển khai thực hiện hai loại quy hoạch này thường có những điểm khác nhau, gây khó khăn trong việc lựa chọn vào quy hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và nhiều khi gây những hệ lụy, khiếu nại của dân.
Ông Phương cho biết, đối với một hệ thống cơ thể sống hay nhà máy, lãnh thổ... thì có 3 nhóm hoạt động luôn diễn ra một cách khách quan và có sự liên hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Nhóm thứ nhất là hoạt động, thực hiện chức năng của hệ thống, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của hệ thống; nhóm thứ hai là xây dựng phần vật chất của hệ thống, đây là nhóm hoạt động mang tính nền tảng của hệ thống; nhóm thứ ba là hoạt động sử dụng tài nguyên đầu vào và xử lý chất thải đầu ra của hệ thống.
Trên cơ sở đó, ông Phương kiến nghị định hướng các nhóm quy hoạch tương ứng theo hoạt động của ngành kinh tế, xây dựng, kết cấu hạ tầng và không gian đô thị, và sử dụng tài nguyên, đất đai, nguồn nước, khoáng sản…
Băn khoăn về công tác quy hoạch chưa theo kịp trước sự đổi mới, ông Phạm Văn Tuân, Bí thư Huyện uỷ huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình cho rằng, công tác quy hoạch thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Tuân
Tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chi tiết triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể dẫn đến việc phải thay đổi nhiều lần và phải điều chỉnh thường xuyên, ông Tuân cho hay.
Để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch, ông Tuân lưu ý: Nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch và phát triển giữa các vùng và các địa phương.
Ông cũng khuyến nghị lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành, tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh./.
Theo VOV