Chính sách - pháp luật

Nhà không phép ở Bình Chánh: Trăm dâu đổ đầu địa phương!

Thứ tư, 14/09/2016, 13:52 GMT+7
  • Chia sẻ tin này qua:
  • Chia sẻ qua Facebook
  • Chia sẻ qua Twitter
Nhiều cán bộ ở Bình Chánh đã bị xử lý do để xảy ra xây dựng không phép.

Ba năm trôi qua, kể từ khi TP.HCM phát hiện hàng ngàn vụ xây nhà không phép, đặc biệt là các quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn… chính quyền TP và các quận, huyện đã quyết liệt xử lý tháo dỡ hàng ngàn căn nhà, kỷ luật hàng loạt cán bộ có liên quan. Đến nay tình hình đã giảm đáng kể, tuy nhiên vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm.
 
Riêng Bình Chánh vẫn còn hàng trăm vụ xây dựng không phép trong tám tháng đầu năm 2016. Vấn đề đặt ra là quản lý nhà nước bất lực hay còn có nguyên nhân nào khác?

 

Cán bộ trật tự đô thị xã Vĩnh Lộc B đang chỉ vào thông báo tháo dỡ một căn nhà không phép tại xã. Ảnh: HỒNG TRÂM

Phối hợp không tốt, chậm ngăn vi phạm
 
“Ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải các thông tin liên quan đến tình trạng “cò” xây dựng không phép (trong các số báo ngày 11 và 12-9), chúng tôi đã chỉ đạo các xã rà soát, kiểm tra và xem xét có hay không việc cán bộ tiếp tay cho “cò” xây dựng. Sau khi kiểm tra, các xã phải báo về cho huyện để tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM. Nếu phát hiện có dấu hiệu tiếp tay cho việc xây dựng không phép thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định”. Ngày 13-9, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin.
 
Trước đó, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hồng thừa nhận tình trạng xây dựng không phép trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, dù địa phương này đã vào cuộc rất quyết liệt.
 
“Có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xây dựng không phép. Thứ nhất cũng là nguyên nhân quan trọng nhất chính là các xã đã đô thị hóa hết nhưng vẫn phải theo cơ chế quản lý nhà nước theo kiểu nông thôn. Điều này kéo theo hàng loạt hệ lụy vì bộ máy quản lý nhà nước theo cơ chế xã đã quá tải, không đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Thứ hai là do vấn đề quy hoạch hiện không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Thứ ba là cơ chế phối hợp xử lý nhà không phép giữa các xã, huyện và Sở Xây dựng còn bất cập” - ông Hồng phân tích.
 
Trong đó, ông Hồng cũng khẳng định là đội ngũ cán bộ còn hạn chế về năng lực và có cả tiêu cực trong việc xử lý nhà không phép. Liên quan đến vấn đề xử lý cán bộ, ông Hồng thông tin đến thời điểm này có hơn 100 cán bộ, cả lãnh đạo và chuyên viên ở huyện đã bị kỷ luật, điều chuyển công tác, cho nghỉ việc, thậm chí khởi tố hình sự.
 
“Lãnh đạo và cán bộ địa chính ở các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Đa Phước, Tân Quý Tây, Tân Túc đã phải thay mới hết. Riêng ba xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B đã phải xử lý rất nhiều cán bộ. Chiếc áo nông thôn của ba xã này đã quá chật nên đồng chí lãnh đạo nào giỏi cách mấy có về đây thì nguy cơ bị kỷ luật cũng rất cao” - ông Hồng nói.
 
Rà lại quy hoạch, cấp phép cho dân
 

nha-khong-phep-o-binh-chanh-tram-dau-do-dau-dia-phuong-2
Anh Phạm Văn Quyền (ấp 1, xã Vĩnh Lộc B) lo lắng vì căn nhà không phép sắp bị tháo dỡ. Ảnh: HỒNG TRÂM

Theo ông Hồng, vấn đề quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện hiện nay còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình mới. Nhiều dự án “treo” hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Đa phần là các dự án có quyết định thu hồi đất, người dân gần như bị trói mọi quyền lợi về nhà đất. Thêm vào đó, những khu vực quy hoạch xây dựng mới lại cấm người dân chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng trong khi nhu cầu nhà ở của họ ngày càng bức bách. Những điều này đã khiến tình hình xây dựng không phép vẫn tiếp diễn.
 
Trong công tác phối hợp xử lý vi phạm, ông Hồng cho biết hiện địa bàn các xã rất rộng, có xã gần 2.000 ha với hàng trăm ngàn dân nhưng chỉ có ba cán bộ, công chức địa chính.
 
“Trước đây, khi chưa có Nghị định 26/2013 của Chính phủ thì tất cả cán bộ trật tự đô thị ở mỗi xã (15 người) khi phát hiện vi phạm đều được lập biên bản cả xây dựng sai phép lẫn không phép. Tuy nhiên, hiện nay các đội trật tự đã chuyển về thanh tra Sở Xây dựng. Theo quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng thì thanh tra Sở sẽ phụ trách lập biên bản vi phạm sai phép, với các trường hợp xây dựng không phép chỉ do 2-3 cán bộ, công chức địa chính được lập biên bản. Do đó công tác xử lý kịp thời các vi phạm gặp nhiều hạn chế” - ông Hồng nói.
 
Từ những nguyên nhân trên, huyện Bình Chánh kiến nghị TP.HCM sớm cho áp dụng thí điểm cơ chế phường với bốn xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên và thị trấn Tân Túc. Ông Hồng khẳng định khi các xã, thị trấn này lên phường thì không chỉ quản lý nhà nước tốt hơn mà người dân cũng được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi đã là phường thì không còn đất nông nghiệp, người dân được chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận và cấp phép xây dựng nhiều hơn.
 
Ngoài ra, ông Hồng cũng thông tin Bình Chánh đang rà soát lại quy hoạch trên toàn huyện. Với các quy hoạch không phù hợp sẽ kiến nghị TP cho điều chỉnh quy hoạch và kiến nghị TP cho phép người dân được xây dựng trong khu quy hoạch là dân cư xây dựng mới trong khi chưa có chủ đầu tư. Với các dự án chậm triển khai, Bình Chánh cũng kiến nghị cho rà soát lại, thu hẹp ranh dự án nếu chủ đầu tư không có khả năng bồi thường. Dự án nào không khả thi thì hủy bỏ quyết định thu hồi đất để trả lại quyền lợi cho dân. “Với các giải pháp này, chắc chắn sẽ kéo giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép” - ông Hồng khẳng định.
 
Tiêu điểm
 
50 là số các dự án ở xã Bình Hưng. Xã này gần như nằm trọn trong quy hoạch khu đô thị Nam TP. Quyết định 27/2014 của UBND TP cho phép xây dựng tạm ở nơi chưa có quyết định thu hồi đất. Song trong gần 50 dự án thì Bình Hưng có 46 dự án đã có quyết định thu hồi đất nên không thể cấp phép xây dựng tạm. Vì vậy, người dân xã Bình Hưng đã bị thiệt thòi.
 
Nhân sự làm thuê, khó buộc trách nhiệm
 
Tình trạng xây dựng không phép diễn ra ở tất cả ấp của xã. Chủ nhà đa phần là người dân lao động nhập cư, có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ tiền để mua nhà. Họ mua đất bằng giấy tay với diện tích nhỏ và xây nhà không phép. Hầu hết họ biết xây dựng không phép sẽ bị xử lý nhưng vẫn làm liều vì nhu cầu nhà ở quá bức bách.
 
Trong khi đó, xã Vĩnh Lộc B rộng gần 1.800 ha với dân số hơn 100.000 người. Địa bàn rất rộng nhưng xã chỉ có ba cán bộ, công chức địa chính, không thể nào kham nổi nên phải ký hợp đồng với các nhân sự lĩnh vực khác phụ thêm.
 
Tuy nhiên, các nhân sự này có làm sai thì cùng lắm cũng cho nghỉ việc chứ không thể ràng buộc trách nhiệm gì. Vì thế chúng tôi kiến nghị được thí điểm cơ chế phường để quản lý tốt hơn.
 
Ông NGUYỄN MINH HIỀN, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B
 
Dân hoài nghi tiêu cực, tôi cũng bức xúc
 
Ở xã cứ vài ngày là phát hiện một căn nhà không phép. Một tháng xã phát hiện 4-6 trường hợp, dịp lễ, tết rộ lên hơn chục vụ. Người dân gọi điện thoại nói đích danh nơi xây nhưng không thấy xử lý nên họ hoài nghi chuyện chính quyền làm ngơ, tiêu cực. Tôi nghe cũng rất bức xúc.
 
Xã đã nắm danh sách các nhà thầu tham gia “bảo kê” xây nhà không phép và xử phạt hành chính hoặc chuyển hồ sơ đề nghị công an huyện khởi tố. Ngoài ra, xã cũng kỷ luật một số cán bộ xã, ấp và trật tự đô thị có dấu hiệu sai phạm.
 
Về khách quan, xã rất rộng, có ấp có hơn 10.000 người, trong khi lực lượng chuyên trách mỏng, cán bộ ấp thì không nắm bắt kịp thời. Xã đã xin cơ chế như cấp phường đô thị để việc quản lý tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của người dân.
 
Ông TRẦN QUỐC QUAY, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A
Nguyễn Dũng

 

Việt Hoa - Hồng Trâm (Pháp luật VN)


Ý kiến
Verosa Park HCM
Scroll_left_01
Scroll_right_01
Hotline:
08888.504.669
Cao Minh Trí
(Chăm sóc khách hàng)
  • zalo
  • phone
  • skype
Đặng Ngọc Mai
(Hỗ trợ kỹ thuật)
  • zalo
  • phone
  • skype
Bạn đang ghé thăm website bằng di động?
Hãy bấm vào số điện thoại để gọi nhanh cho chúng tôi.