Theo Đồ án thiết kế đô thị của Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, tại các trục đường Lê Lợi, Hùng Vương, Nguyễn Huệ (TP Huế) được chia làm nhiều phân đoạn để tiện cho tổ chức các không gian kiến trúc, cảnh quan hợp lý, hấp dẫn và ấn tượng.
Theo đó, phân đoạn 1, từ ga Huế đến đường Phan Bội Châu, phải giải tỏa khu vực nhà dân trước và nhà bán vé, tổ chức các khu vực chức năng hợp lý như: Sảnh chờ, bãi đỗ xe, quảng trường, cây xanh... tạo kiến trúc đặc trưng của ga.
Đại học Huế giữ nguyên chức năng chuyển thành nhà truyền thống đại học Huế, cần giải tỏa các công trình kiến trúc không phù hợp; Tổ chức không gian cây xanh, mặt nước, không gian triển lãm ngoài trời, tạo không gian mở ra sông Hương và học viện âm nhạc, khu kiến trúc Pháp, sử dụng hàng rào mềm, hàng rào cây xanh.
Khu vực trường đại học Huế, trung tâm công nghệ thông tin chuyển đổi thành trung tâm thông tin – dịch vụ du lịch; Tổ chức điểm cung cấp thông tin du lịch, quầy bán các sản phẩm lưu niệm, giải khát, ăn nhẹ, nhà hàng, với kiến trúc đặc trưng Huế, sân vườn, tiểu cảnh mặt nước, với chiều cao 1 - 2 tầng.
Nhà văn hóa thiếu nhi chuyển đổi để tổ chức không gian dành cho thiếu nhi vui chơi, tham gia các hoạt động sáng tạo trong nhà và ngoài trời. Điểm du lịch dành cho khách tham quan và mua sắm các sản phẩm do thiếu nhi tạo ra. Công trình mang kiến trúc độc đáo tạo điểm nhấn trên trục đường, với chiều cao 3 tầng.
Phân đoạn 2, khu vực đường Lê Lợi, đoạn từ Phan Bội Châu - đường Lê Lợi, sẽ tạo hình ảnh đặc trưng cho đoạn phố - nơi tập trung các công trình kiến trúc có giá trị gồm: UBND tỉnh, trường THPT Quốc học Huế, trường THPT Hai Bà Trưng được bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị.
Thay thế hàng rào sắt UBND tỉnh, bệnh viện thành hàng rào mềm, hàng rào cây xanh. Trụ sở UBND tỉnh được chuyển đổi thành bảo tàng nghệ thuật. Khu đất của quân đội sau UBND tỉnh đề nghị chuyển đổi thành sân vườn, không gian trưng bày ngoài trời.
Phân đoạn 3, từ đường Hà Nội - đường Đội Cung sẽ tạo sự thay đổi về kiến trúc trên tuyến phố. Các quỹ đất cơ quan được chuyển đổi thành dịch vụ du lịch, dịch vụ thiết bị trường học, Chi cục thuế, Hội nhà báo, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật, Cục thuế, Phòng VHTT- TDTT, Sở Y tế thành 2 khối khách sạn 5 sao có hình thức kiến trúc độc đáo.
Hệ thống khách sạn trên sẽ liên kết với chuỗi dịch vụ khách sạn đẳng cấp như: Morin, Century, Hương Giang... Kiến trúc khách sạn được phép xây cao 9 tầng, với 2 tầng đế, khoảng lùi 2m; thấp dần về phía sông Hương; mặt đứng 20m có sự thay đổi về chi tiết kiến trúc và khuyến khích hình thức kiến trúc xanh; sử dụng thủ thuật thay đổi cảm nhận thị giác về chiều cao.
Phân đoạn 4, từ đường Đội Cung - cầu Đập Đá tạo phân đoạn dịch vụ thương mại với sự tập trung phần lớn các công trình nhà phố buôn bán tự doanh. Hình ảnh đoạn phố sầm uất với các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng như: Nhà hàng, quán bar, cửa hàng lưu niệm; thống nhất chiều cao tầng 1; quy định về biển hiệu, biển quảng cáo; khuyến khích đưa vào công trình các chi tiết đặc trưng của kiến trúc Huế, chiều cao 4 tầng.
Khu vực khách sạn Hương Giang – Century di dời hệ thống hàng quán phía trước khách sạn; tổ chức không gian khách sạn kết hợp với cây xanh, mặt nước; mở hướng nhìn ra phía sông Hương; tạo hình công trình hợp khối tránh vụn vặt hay xếp đặt không có chủ đích tạo hình.
Sau khi hợp khối tiến hành bố cục uyển chuyển giữa các khối tạo nên sự hài hòa bên trong và bên ngoài có tính liên kết; cần bố trí các khối dài giảm dần, giật cao độ ra phía ngoài, kết hợp cây xanh và vật liệu xây dựng bằng kính... các vị trí đặc biệt nên áp dụng hình khối độc đáo, cao 10 - 12 tầng.
Phương án 2, sẽ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực ngã sáu Hùng Vương, với chiều cao công trình từ 15 - 25 tầng các khối chính, giảm dần về các trục có khống chế chiều cao hay yếu tố tâm linh; liên kết hình khối tạo mảng khối mạnh, trong mỗi cụm đều có yếu tố khối chính, khối phụ hỗ trợ cho nhau; bố trí khối đều và tận dụng hết lợi thế khu đất mang lại, cả về hiệu quả không gian cũng như tiêu chí kinh tế kỹ thuật.
Hình thức kiến trúc mặt đứng ít đột biến và có ảnh hưởng từ công trình này sang công trình khác tạo nên sự gắn kết và chuyển dịch chậm để dành sự đột phá cho công trình điểm nhấn. Công trình điểm nhấn được chọn làm đột biến trong tổng thể có hội tụ các yếu tố: Công năng, vị trí, tính chất... Có giá trị ưu tiên đặc biệt hơn, hình thức khác biệt và độc đáo.
Một số tuyến đường sau khi được chỉnh trang.
Phân đoạn 1, từ đoạn đường Lê Lợi đến Lý Thường Kiệt được hình thành tuyến phố thương mại, dịch vụ sôi động ấn tượng, hấp dẫn; kết nối không gian cảnh quan với các công trình văn hóa, tôn giáo trên tuyến phố; giải tỏa khách sạn Thắng Lợi và diện tích lân cận để tổ chức không gian trung tâm dịch vụ du lịch gồm quầy bán các sản phẩm lưu niệm, giải khát, ăn nhẹ đặc trưng Huế, cho phép xây dựng từ 1-2 tầng.
Các cơ quan Sở Giao thông vận tải, Cty Bia Huế, Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu kinh tế và công nghiệp tỉnh được chuyển đổi thành dịch vụ du lịch, với hệ thống khách sạn từ 4 - 5 sao để liên kết với chuỗi khách sạn đẳng cấp như khách sạn Morin, Century, Hương Giang...
Về kiến trúc, tận dụng tối đa chiều cao có thể vì yếu tố tầm nhìn dành cho các phòng nghỉ, song phải cân đối trên sự cho phép tầng cao khống chế. Có thể tùy theo địa điểm, đề xuất cho phép xây cao 7 - 10 tầng và nên áp dụng chuyển dần tầng cao cho các khối nhà tạo sự chuyền tiếp hình thức kiến trúc, tránh đột biến và chênh lệch đột xuất.
Khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, Cty Dệt may Huế đề xuất chuyển đổi thành nhà phố thương mại phục vụ du lịch. Kiến trúc tân cổ điển, với chiều cao 4 tầng. Ngã 5 Hai Bà Trưng – Đống Đa – Nguyễn Huệ, khu vực Sở Thủy sản, Công an phường Vinh Ninh, Liên hiệp Công đoàn chuyển đổi thành tổ hợp dịch vụ - thương mại – văn phòng, với chiều cao 5 tầng, tạo không gian quảng trường cây xanh, mặt nước kết hợp với điêu khắc mang tính biểu tượng.
Các phân khu chức năng được cân đối trên cả tổng thể các khu vực lân cận, áp dụng khối bố cục có cơ sở lập luận.
Minh Nhật