Mới đây, Văn phòng UBND Tp.HCM cho biết UBND TP vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, ủy quyền cho TP chịu trách nhiệm duyệt phương án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đường bộ trên cao số 1.
Dự án được xây dựng nhằm giúp giảm kẹt xe ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, với tổng vốn đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp đường bộ trên cao số 1 khoảng 15.000 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng.
UBND Tp.HCM cho rằng, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, Tp.HCM được quy hoạch 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài khoảng 70,7 km; định hướng phát triển sau năm 2020, Tp.HCM phải xây dựng 1-2 tuyến đường bộ trên cao. Nhưng đến nay vẫn chưa có tuyến nào được triển khai đầu tư. Việc nhanh chóng xây dựng tuyến đường bộ trên cao số 1 nhằm giải quyết tình hình ùn tắc giao thông tại cửa ngõ hàng không Tân Sơn Nhất đang ngày càng nghiêm trọng.
Đề xuất xây dựng đường trên cao số 1 với kinh phí 18.000 tỷ đồng
Tuyến đường bộ trên cao số 1 có lộ trình bắt đầu từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) sau đó giao với đường Điện Biên Phủ và tuyến tách một nhánh lên xuống tại khu vực nút giao đường Điện Biên Phủ, nhánh còn lại sẽ kéo dài theo đường Ngô Tất Tố - kết thúc trước cầu Phú An (tổng chiều dài khoảng 9,5 km, rộng 17,5 m).
Trước đây, dự án đầu tư tuyến đường bộ trên cao số 1 đã được giao cho nhà đầu tư Công ty GS E&C (Hàn Quốc) nghiên cứu, đầu tư theo hình thức BOT. Nhưng sau công ty này đã rút khỏi dự án. Tiếp đó, Công ty CP bê tông 620 Châu Thới đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án, rồi cũng đề nghị chấm dứt tham gia dự án.
Sở dĩ 2 nhà đầu tư trên không thể triển khai, hoàn tất các thủ tục tiếp theo là bởi nguồn vốn đầu tư lớn, quy mô, tính chất dự án phức tạp nên việc nghiên cứu kéo dài, phát sinh chi phí lớn. Ngoài ra, việc bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài, nhà đầu tư sau khi nghiên cứu đã không đề xuất được phương án hoàn vốn khả thi.
Để triển khai nhanh dự án này, do các điều kiện riêng biệt, đặc thù, nên UBND Tp.HCM đề xuất lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu (lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt): “Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện riêng biệt, đặc thù nhưng không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
Theo Thanh Niên Online