Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến việc chuyển đổi sân golf Phan Thiết sang khu đô thị, trong đó cho biết không có cơ sở để khẳng định "việc chuyển đổi này có biểu hiện sai trái, tiêu cực lợi ích nhóm câu kết với doanh nghiệp biến đất công thành đất tư nhân" như phản ánh của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận.
Dự án sân Golf Phan Thiết (thành phố Phan Thiết) được cấp giấy phép đầu tư vào năm 1993, chủ đầu tư là Công ty Regent International Overseas Corp (100% vốn nước ngoài). Đến tháng 2/2009, giấy phép đầu tư được thay đổi lần thứ nhất. Theo đó UBND tỉnh Bình Thuận chứng nhận nhà đầu tư Công ty Regent International Overseas Corp đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh một sân golf và các công trình phục vụ kèm theo với hình thức thành lập Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết.
Một góc khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Tuổi Trẻ
Và đến lần thay đổi thứ 6 vào tháng 3/2015, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép điều chỉnh nội dung Dự án đầu tư Ocean Dunes Golf Clup thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết và Công ty Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết là chủ đầu tư. Trước đó, tại lần điều chỉnh thứ 5 vào tháng 3/2014, tổng diện tích dự án đã được điều chỉnh từ 603.534 m2 thành 620.656 m2.
Không có cơ sở "móc ngoặc, câu kết"
Liên quan đến nội dung kiến nghị, phản ánh về việc chuyển đổi công năng của sân golf Phan Thiết sang Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết của ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, trong đó cho rằng: "lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã câu kết, móc ngoặc với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Rạng Đông xóa bỏ sân golf, sử dụng đất này để kinh doanh bất động sản như phân lô, bán nền, xây biệt thự, nhà cao tầng… để bán, chuyển nhượng là trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Chính phủ và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020", Thanh tra Chính phủ cho biết phản ánh này là không có cơ sở.
Bởi, theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, ngày 28/10/2014, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 2117/TTG-KTN về việc điều chỉnh sân golf Phan Thiết, đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận sau đó đã làm các thủ tục điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung của thành phố Phan Thiết theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, trước khi cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất.
Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, phản ánh "Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết do Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định nhưng Uỷ ban nhân dân Tỉnh không thu hồi đất sân golf khi chuyển mục đích sử dụng đất sang dự án khu đô thị mới là trái với Luật Đất đai 2013" cũng là không có cơ sở.
Vì sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020; sau khi hoàn tất thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng chung và Kế hoạch sử dụng đất năm 2015 của thành phố Phan Thiết, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép Công ty Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết chuyển từ mục đích đất thể dục thể thao sang mục đích đất ở đô thị (không phải làm thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất) là phù hợp với Luật Đất đai 2013.
Có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách?
Về nội dung phản ánh cho rằng "việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận không yêu cầu chủ đầu tư bố trí 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án là chưa đúng quy định của pháp luật về nhà ở xã hội", theo Thanh tra Chính phủ là có cơ sở một phần.
Cụ thể, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có quy mô hơn 62ha và thực hiện đầu tư tại thành phố Phan Thiết (là đô thị loại II); theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong tổng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo quy định, việc chủ đầu tư lập, sở Xây dựng thẩm định và Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án là chưa thực hiện đúng quy định theo Nghị định 188. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xin ý kiến và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, cho phép Công ty Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 2 khu đất khác có tổng diện tích 8,57 ha. Việc làm này là chưa phù hợp với quy định bởi theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì việc nộp tiền quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chỉ áp dụng đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô dưới 10ha.
Tuy nhiên trước khi thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng và đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn, do đó việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận hoán đổi 20% quỹ đất dành xây dựng nhà ở xã hội "tuy không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng đã được Bộ Xây dựng, cơ quan hướng dẫn chuyên ngành cho phép là phù hợp".
Trong đơn kiến nghị, phản ánh của mình, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đinh Trung, cho rằng: "Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước". Qua kết quả kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, điều này là có cơ sở một phần.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, do còn một số vướng mắc nên Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xin ý kiến và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, cho phép Công ty Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nộp khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại 2 khu đất khác có tổng diện tích 8,57 ha. Do đó không thể quy kết Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận làm sai được.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán và xác định việc Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận không bố trí 20 quỹ đất ở để phát triển nhà ở xã hội trong phạm vi dự án là chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 188, nhưng… "đúng với hướng dẫn của Bộ Xây dựng".
Trong đơn kiến nghị, phản ánh của mình, nguyên Bí thư tỉnh ủy Đinh Trung, cho rằng: "Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xác định giá đất để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất chưa chính xác, có nguy cơ gây thiệt hại ngân sách nhà nước"- qua kết quả kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, điều này là có cơ sở một phần.
Dự án được chủ đầu tư phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngày 22/2/2015, trong đó xác định nguồn vốn đầu tư và vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động và vốn vay thương mại. Tại thời điểm này, Luật Xây dựng năm 2014 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có văn bản hướng dẫn nên các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng (tại văn bản số 3482/BXD-HĐXD ngày 30/12/2014).
Trên thực tế, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận tuy có nhiều lần tham gia ý kiến bằng văn bản với Uỷ ban nhân dân tỉnh và thể hiện quan điểm trong 5 cuộc họp do tỉnh tổ chức, nhưng chưa có ý kiến trực tiếp đối với bản thiết kế cơ sở của chủ đầu tư dự án. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho rằng, trong quá trình thẩm định thiết kế, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết đã thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra thiết kế và đơn vị tư vấn này chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra nên Sở Xây dựng Bình Thuận không cần thuê đơn vị tư vấn theo quy định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cho rằng, ý kiến này là chưa chính xác, đồng thời cho biết kết luận của Kiểm toán Nhà nước (tại Thông báo kết quả kiểm toán số 39/TB-KTNN-KV.XIII ngày 5/2/2018) rằng, "dù được Công ty Cổ phần tư vấn kiểm định xây dựng Quốc tế (ICCI) thẩm tra độc lập thiết kế cơ sở - dự toán, nhưng chưa lấy ý kiến của Sở Xây dựng, là chưa chặt chẽ về thủ tục theo quy định pháp luật xây dựng" – là phù hợp.
Qua kết quả kiểm tra trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Xây dựng tỉnh này kiểm tra, rà soát lại thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và công tác nghiệm thu; rà soát, kiểm tra tổng chi phí đầu tư kết cấu hạ tầng được kiểm toán so với chi phí đầu tư xây dựng được thẩm tra, trường hợp thấp hơn chi phí đầu tư xây dựng trong phương án giá đất (1.693.637.072.523 đồng) thì tham mưu việc thu bổ sung tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách nhà nước.
Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện việc chuyển 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại Dự án theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại báo cáo kiểm toán kèm theo văn bản số 24/KTNN-TH ngày 12/1/2018.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng rút kinh nghiệm trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho địa phương bảo đảm đúng tinh thần của luật chuyên ngành.
Nhật Minh
(Theo VNEconomy)