Tác dụng của cây xanh
Tác dụng về môi trường sống: Công trình xanh đang ngày càng trở thành xu hướng trong phát triển đô thị. Công trình xanh không phải chỉ là cây xanh, nhưng cây xanh cũng là một trong những yếu tố tạo dựng công trình xanh. Cây xanh không chỉ có ý nghĩa về khoa học hay sinh thái đơn thuần về mặt tự nhiên, mà còn có ý nghĩa không nhỏ về khía cạnh xã hội.
Một không gian xanh ở ban công, một giỏ hoa giản dị treo ở cửa sổ… sẽ làm giảm được cảm giác nóng nực của ngày hè với những hiệu ứng đô thị không thể tránh khỏi. Không những thế, nó còn làm cho bạn giảm bớt căng thẳng, áp lực công việc hay xã hội sau một ngày làm việc trở về với tổ ấm của mình. Chính vì vậy, những chủ nhân trẻ của các chung cư ngày càng chăm chút cho chất xanh trong căn hộ của mình, đặc biệt là ở ban công, lô gia (sau đây gọi chung là ban công)…
Tác dụng về phong thủy: Không những có lợi về môi trường, trồng cây ở ban công nếu đúng cách còn rất tốt về phong thủy. Cây xanh có tác dụng chiêu tài, làm tăng sinh khí, mang lại sức khỏe và may mắn cho chủ nhân. Đồng thời, nó còn có thể hạn chế, ngăn không cho sát khí đi vào phòng.
Cây xanh trồng ở ban công cũng có tác dụng hóa giải điều xấu khi hướng căn hộ, hướng ban thờ hay hướng bếp không hợp tuổi gia chủ.
Bí quyết trồng cây ban công lợi môi trường, tốt phong thủy
Trồng cây ở ban công ai cũng muốn cây tươi tốt, phát triển đều, cho hoa và tán đẹp. Tuy nhiên, môi trường ở ban công và nhất là lô gia đều không thật thuận lợi cho việc trồng cây. Điển hình nhất là thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng không đều, thiếu nước, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày - đêm và giữa các mùa trong năm.
Về chủ quan, chủ nhân của căn hộ chung cư thường là các cặp vợ chồng trẻ, áp lực công việc lớn, lại có con nhỏ nên rất bận rộn. Vì vậy phần lớn thời gian là ở công sở, phục vụ con cái nên ít có điều kiện chăm sóc cây cối.
Do đó, nguyên tắc đầu tiên của việc trồng cây ngoài ban công là bạn phải căn cứ vào môi trường. Nếu ban công hướng nam, điều kiện tương đối ôn hòa, tuy ít nắng nhưng ánh sáng đều; bạn nên chọn cây ưa sáng nhẹ, có thể phát triển tốt trong điều kiện thiếu sáng. Ban công hướng bắc cũng thế nhưng thường ít sáng hơn, bạn cần chọn cây chịu cớm, đồng thời chịu được giá rét về mùa đông.
Nếu ban công hướng đông và tây, bạn lại chọn cây chịu nắng và khô hạn.
Nguyên tắc thứ hai là căn cứ vào điều kiện của bạn, nhất là về thời gian và hiểu biết về cây cảnh. Nếu có nhiều thời gian và là người am hiểu về cách chăm sóc cây, bạn có thể tùy thích chọn loài cây nào cũng được, chỉ cần cây đó hợp về phong thủy. Nhưng nếu bạn không thạo về chăm sóc cây lắm, lại không có nhiều thời gian dành cho cây cối thì tốt nhất nên chọn loại cây dễ sống, vừa chịu hạn vừa chịu nước, đồng thời phát triển tốt trong mọi điều kiện…
Thứ ba mới đến việc chọn cây hợp phong thủy. Đây là mục đích chính trong việc tư vấn về trồng cây theo phong thủy ở bài này, nhưng chúng tôi lại đặt sau hai nguyên tắc về môi trường và điều kiện của chủ nhân là có nguyên do của nó. Bởi cho dù bạn có chọn được cây tốt về phong thủy nhưng lại không thể sống hay phát triển được ở ban công, hay bạn không có nhiều thời gian chăm sóc, để cây héo úa hay chết thì lợi bất cập hại, khi đó còn có hại hơn việc không trồng cây.
Theo các nhà phong thủy, trồng cây ban công (hay trong nhà cũng thế), nên chọn cây có tán đẹp, dáng cân đối, lá hình tròn, dài hay hình trái tim… Không nên chọn cây mà cành lá trơ trọi, gầy guộc, lá nhọn sắc hay gai góc. Tuy nhiên, nếu để ngăn chặn sát khí thì trồng cây xương rồng lại có tác dụng tốt.
Những cây trồng thích hợp cho ban công
Dưới đây là một số loại cây tốt về phong thủy, có thể trồng ở ban công để các bạn tham khảo:
Vạn niên thanh (các loại): Đây là hai loại cây dễ sống nhất, phát triển nhanh, chịu úng nước. Thích hợp cả trồng trong chậu đất hay thủy sinh; thậm chí loài dây leo còn trồng trong giỏ để treo lơ lửng cũng rất đẹp.
Vạn niên thanh
Ngũ gia bì: Rất dễ trồng, phát triển nhanh, chịu cả úng, hạn, thiếu sáng lại có tác dụng khử độc, làm trong sạch không khí.
Cây kim tiền, phát tài, phát lộc: Đều là những cây dễ sống, có thể trồng trong chậu đất hoặc thủy sinh.
Thiết mộc lan: Dễ chăm sóc, lá và dáng đẹp, chịu úng hạn tốt lại không cần nhiều ánh sáng, thích hợp với ban công hướng bắc.
Thiết mộc lan
Hoa mười giờ: Rất dễ trồng, chịu cả úng và hạn, cho hoa đẹp, thích hợp cả trồng chậu và treo lơ lửng.
Hoa giấy: Rất dễ trồng, phát triển nhanh, lại chịu hạn, càng khô hạn càng ra nhiều hoa, cho hoa đẹp gần như quanh năm.
Tre trúc: Rất tốt cho phong thủy, dáng đẹp, che được nắng nhưng lại không rậm rạp. Tuy nhiên đòi hỏi phải biết cách chăm sóc.
Trúc Nhật: Dễ sống, dễ chăm sóc, phát triển tốt trong điều kiện thiếu sáng lại có dáng mảnh mai, không rậm rạp.
Cúc tần Ấn Độ: Cực kỳ dễ sống, phát triển nhanh, rủ xuống như bức mành rất đẹp. Tuy nhiên lá rậm rạp, che mất ánh sáng vào phòng; nhưng lại thích hợp với ban công rộng, hướng tây để chắn ánh nắng gay gắt buổi chiều.
Hoa hồng: Hiện nay có nhiều giống hoa ngoại đẹp có hương, lại dễ trồng. Tuy nhiên loài hoa này cần ánh nắng, chỉ thích hợp với ban công có nhiều ánh sáng. Điều lưu ý là cần chọn loại hoa hương thơm nhẹ, tránh hương quá nồng nặc xông vào phòng sẽ không tốt cho sức khỏe.
Đỗ quyên, dạ yến thảo: Cho hoa đẹp, cũng dễ trồng, tuy nhiên chỉ thích hợp theo mùa.
Tía tô cảnh: Đẹp, cây thấp không khó trồng, tạo không gian sinh động...
Tía tô cảnh gấm vàng
Ngoài ra còn rất nhiều lọa cây khác hợp phong thủy có thể trồng ở ban công, bạn chỉ cần quán triệt ba nguyên tắc nêu ở trên.
Nhật Minh