Ba tuyến đường sắt bắt đầu từ TP.HCM gồm đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Cục Đường sắt Việt Nam trình Bộ GTVT sẽ có chín tuyến đường sắt được ưu tiên đầu tư, trong đó có ba tuyến bắt đầu từ TP.HCM.
Ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030
Trong đó sẽ có chín tuyến đường sắt mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030 và ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, xây dựng trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP.HCM (dự kiến đoạn Nha Trang - TP.HCM có tổng chiều dài 370 km). Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỉ đồng.
Tiếp đó, trong 10 năm tới sẽ đầu tư xây dựng hai tuyến đường sắt liên vùng, kết nối từ TP.HCM. Tuyến thứ nhất là tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm (khu đô thị Thủ Thiêm), TP Thủ Đức - Long Thành (sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai), đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 38 km. Tuyến thứ hai là tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, dài khoảng 174 km.
Riêng về tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, ngày 3-6, Cục Đường sắt Việt Nam đã có giải trình liên quan đến đề xuất của Viện KH&CN Phương Nam về việc điều chỉnh hướng tuyến, bổ sung chín ga đô thị vệ tinh của dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ. Viện KH&CN Phương Nam cũng đưa ra tổng mức đầu tư lên đến 10 tỉ USD cho tuyến này, chiều dài toàn tuyến cũng rút ngắn (từ hơn 174 km còn gần 170 km).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trong quá trình nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã phối hợp với Viện KH&CN Phương Nam rà soát và xem xét hướng tuyến. Hướng tuyến xem xét là giữa phương án tuyến được đề xuất theo quy hoạch đã được duyệt trước đây và phương án hướng tuyến mới do Viện KH&CN Phương Nam đề xuất mới.
“Tuy nhiên, qua xem xét tài liệu cung cấp bởi đơn vị nghiên cứu đề xuất, tư vấn thấy rằng phương án điều chỉnh tuyến như đề xuất chưa có đủ cơ sở kỹ thuật, không tạo ra sự khác biệt lớn về mặt mạng lưới tuyến (so với phương án duyệt)” - văn bản báo cáo ý kiến, tiếp thu giải trình của Cục Đường sắt Việt Nam nêu.
Vì vậy, theo Cục Đường sắt Việt Nam, hướng tuyến cũ được giữ nguyên và trong trường hợp cần thiết, hướng tuyến chi tiết sẽ được nghiên cứu điều chỉnh trong quy hoạch chi tiết có tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo Luật Quy hoạch.
Cần đổi mới phương thức quản lý
Nói về sự cần thiết của ba tuyến đường sắt bắt đầu từ TP.HCM, TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, cho biết quan trọng đầu tiên là tuyến TP.HCM - Nha Trang, vì có tuyến này mới phát triển kinh tế ở tầm cao từ khu vực TP.HCM đến Nha Trang.
“Tuyến về Cần Thơ là giải phóng năng lực và phát triển kinh tế của cả miền Tây, đây là vựa lúa cho cả đất nước nên phải phát triển giao thông, không bỏ được. Riêng tuyến Thủ Thiêm - Long Thành thì theo tôi, chưa cần ngay vì lo cho nhiều tuyến quan trọng khác kết nối sân bay này trước” - ông Hùng phân tích.
Nói thêm về dự thảo quy hoạch mạng lưới đường sắt, ông Hùng cho rằng cần thiết nghiên cứu thêm tuyến đường sắt vận chuyển vật tư, máy móc, sản phẩm xuất nhập khẩu cho khu công nghiệp Bình Dương, khu công nghiệp TP.HCM để không kẹt xe khi giao thông đô thị đã quá tải lại phải gánh thêm lượng xe tải, xe container…
Trao đổi với PV, TS - kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng chúng ta đang rất cần quy hoạch mạng lưới đường sắt vì quy hoạch mạng lưới giao thông hiện nay thì đường bộ đang quá tải, mà đầu tư đường bộ thì chi phí rất lớn.
Đường sắt thì có sẵn rồi nên rất cần quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang và cả nâng tốc độ đường sắt lên. Đồng thời tạo nên cuộc “cách mạng” mới về đường sắt, như khổ đường sắt chẳng hạn. “Chúng ta cần đầu tư, còn đầu tư như thế nào, thời điểm nào thì cần phải cân đối nguồn vốn, vì hiện nay đường sắt là lĩnh vực có nguồn thu chưa tốt, từ đó đặt ra cho Cục Đường sắt Việt Nam là nên ưu tiên đầu tư đoạn nào trước” - ông Nghiêm nói.
Ngoài ra, theo ông Nghiêm, bên cạnh quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt thì quan trọng nhất là điều chỉnh lại điều hành đường sắt hiện nay.
“Điều hành đường sắt hiện nay đã lâu đời, có những cái truyền thống nhưng cũng có những cái chưa thật sự thích hợp với cuộc “cách mạng” mới nên vừa cải thiện mạng lưới vừa cải tạo chỉnh trang nhưng phải gắn với đổi mới phương thức quản lý, phương thức vận hành. Đây là vấn đề cần quan tâm” - ông Nghiêm thẳng thắn.
Các tuyến ưu tiên đầu tư còn lại theo dự thảo đến năm 2030 Hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân (xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại; nâng cấp, cải tạo đoạn Yên Viên - Lim, đoạn Phả Lại - Hạ Long). Xây dựng đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đề nghị xem xét ưu tiên đầu tư một số dự án cấp bách khác Trước đó, trong văn bản góp ý dự thảo hồi cuối tháng 5, UBND TP.HCM cũng góp ý về kế hoạch đầu tư thì ngoài các tuyến đường sắt dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2030, nên xem xét ưu tiên đầu tư một số dự án cấp bách khác. Cụ thể như đầu tư tuyến Chơn Thành - Biên Hòa thuộc tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh hay đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ga Bình Triệu. UBND TP cũng lưu ý hiện nay mạng lưới hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ… Do đó, UBND TP kiến nghị trong quá trình rà soát, lập kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông cần xem xét việc đóng góp ngân sách các tỉnh, khu vực và hiện trạng giao thông để có kế hoạch đầu tư phù hợp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế đảm bảo kết hợp hài hòa giữa lợi ích của các vùng, địa phương. |