Năm 2021, nhiều dự án bất động sản mới được đưa ra thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu người dân.
Nhiều dự báo lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2021 đã phải thay đổi trước diễn biến mới của dịch COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng BĐS sẽ tiếp tục vượt khó và có những điểm sáng trong năm 2021.
BĐS du lịch, thương mại vượt khó
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết như nhiều ngành nghề BĐS cũng chịu tác động mạnh. Đặc biệt, BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phân khúc BĐS thương mại, dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng, các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, mặt bằng cho thuê… sẽ vắng khách, ít khách. Ngoài ra, dịch cũng sẽ khiến các doanh nghiệp BĐS gặp khó trong việc mở bán sản phẩm, tiếp cận khách hàng.
Vì vậy, theo TS Khương, các doanh nghiệp cần cân đối lại khách hàng mục tiêu, doanh thu và chi phí. Những văn phòng do giá cao mà bị bỏ trống thì cần cân đối lại nguồn thu dựa trên ngắn hạn và dài hạn để đảm bảo có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn. "Thế nhưng tôi nghĩ dịch bệnh sẽ nhanh được khống chế và không kéo dài. Lĩnh vực du lịch, thương mại dịch vụ sẽ phục hồi nhanh. Khi đầu tư vào các cao ốc, văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn dịch vụ thì thời gian hoàn vốn thông thường là 10 năm. Do đó, 1-2 năm khó khăn không phải là vấn đề quá lớn" - TS Khương nói.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, thì năm 2021 nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS sẽ có thách thức xen lẫn cơ hội. Khó khăn là kinh tế thế giới vẫn còn bị hạn chế bởi dịch bệnh sẽ tác động liên đới tới Việt Nam. Thêm vào đó, giá BĐS giai đoạn 2016-2019 đã tăng quá mạnh, cần một giai đoạn tích lũy mới có thể tăng tiếp.
Đặc biệt, nguồn cung nhà ở TP.HCM năm 2021 tiếp tục khó cải thiện. Lý do là vẫn còn những dự án đang kẹt về pháp lý, không thể một sớm một chiều có thể hoàn thiện được. Thứ hai, những nhà phát triển muốn lấy đất ở TP để lập dự án cũng gặp nhiều trở ngại nên cần có thời gian. Do vậy sẽ không có nguồn cung đột biến mà nguồn cung sẽ đến từ từ.
Mảng sáng được TS Hiển chỉ ra là dự báo của các tổ chức kinh tế - tài chính lớn trên thế giới vẫn khá lạc quan về Việt Nam với mức tăng trưởng GDP khoảng 6%-7%. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ tạo động lực cho thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2020, đặc biệt là TP.HCM.
Phân khúc nào vẫn hút khách?
Theo TS Sử Ngọc Khương, nhu cầu đối với phân khúc BĐS nhà ở vẫn cao. Lý do là một bộ phận người dân tại Việt Nam có tài sản tích lũy dưới dạng vàng, ngoại tệ có nhu cầu chuyển hóa các loại tài sản này sang BĐS luôn cao.
Khi thiếu hụt nguồn cung những dự án ở mức trung bình thì nhu cầu đầu tư vào các dự án đất nền, nhà phố, biệt thự và căn hộ chung cư càng lớn. Đối với nhà đầu tư cá nhân, họ vẫn đi mua những nhà phố, nhà lẻ, đây chính là cách mà họ đầu tư tiền.
Phân khúc BĐS công nghiệp cũng là một điểm nóng của thị trường trong năm 2021. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng gặp khó vì hiện tại Chính phủ đang kiểm soát rất chặt chẽ các chuyến bay quốc tế.
"Đây là thời điểm để Chính phủ và các nhà đầu tư cấu trúc lại những sản phẩm, giải pháp cũng như dây chuyền khép kín và chuỗi cung ứng. Khi thị trường hồi phục, tình hình chung của thế giới chuyển biến tốt hơn thì các doanh nghiệp phát triển BĐS công nghiệp cần sẵn sàng nguồn lực gồm quỹ đất, cơ sở hạ tầng... để thu hút nhà đầu tư" - TS Khương phân tích.
Chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển cũng lạc quan nhận định thị trường 2021 sẽ tích cực hơn 2020. Tuy nhiên, sẽ khó có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên diện rộng như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Ngược lại, thị trường sẽ sàng lọc và có sự phân hóa mạnh.
Theo TS Hiển, những khu vực đô thị mới có triển khai khu công nghiệp và đầu tư hạ tầng giao thông lớn sẽ có sự cấu trúc lại trong xu thế tiếp tục phát triển. Phân khúc đất nền vùng ven chưa có khả năng tập trung dân cư và thiếu hạ tầng sẽ bị suy giảm nhẹ.
"Thị trường căn hộ tại TP.HCM sẽ có sự tăng giá nhẹ do có nhu cầu mua ở và đầu tư nhưng nguồn cung vẫn còn hạn chế" - TS Hiển dự báo.
Chuyên gia đầu tư BĐS Phan Công Chánh thì cho rằng năm 2021 những khu vực có dư địa tốt, tiềm năng lâu dài sẽ có màu sáng. Cụ thể, TP Thủ Đức, TP Phú Quốc... sẽ là điểm sáng trong năm 2021. Đây là những khu vực có dư địa tốt, tiềm năng lâu dài nên thu hút được nhà đầu tư đổ vốn vào.
Theo ông Chánh, các khu vực sở hữu những tiềm năng về hạ tầng khi trở thành hiện thực sẽ được các nhà đầu tư tiếp tục nhắm đến trong năm mới.
Gần 179 triệu USD đổ vào bất động sản trong tháng 1-2021 Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), kết thúc năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực BĐS đạt 4,2 tỉ USD, tăng 18,6% so với năm 2019. Bước sang tháng 1-2021, BĐS là lĩnh vực có vị trí thứ hai về thu hút FDI với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều địa phương phía bắc có mặt trong danh sách thu hút đầu tư FDI như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Thái Nguyên… Trong đó, các dự án BĐS công nghiệp nhận được nhiều vốn đầu tư nhất. Theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, với triển vọng phát triển tích cực, trong năm 2021 sẽ tiếp tục có những khu công nghiệp mới hoàn thiện hạ tầng được đưa ra thị trường. Cùng với đó là loạt dự án mới phát triển hạ tầng khu công nghiệp được phê duyệt. Tuy nhiên, các địa phương cần cẩn trọng trong việc cấp phép mới dự án khu công nghiệp, tính toán đến các yếu tố đồng bộ hạ tầng cứng và mềm, tránh khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra ở một số nơi. |